Màu sắc của đá quý tạo ra không chỉ phụ thuộc vào bản thân các nguyên tố này mà còn phụ thuộc vào cấu trúc tinh thể và thành phần hóa học của đá quý.
Trường hợp tự sắc: Mầu sắc của đá quý bị ảnh hưởng bởi các thành phần hóa học chính tham gia vào cấu trúc tinh thể của chúng.Ví dụ: màu hồng do Mn gây ra trong rhodonite, rhodochrosite; màu lục và màu lam do Cu gây ra trong đá lông công (malachite) và biruza (turquoise); màu lục, lục phớt vàng và lục phớt nâu gây ra bởi Fe trong peridot.
Trường hợp mầu ngoại sắc: Đá có mầu vì lẫn nguyên tố tạp chất. Khác với màu tự sắc, nhóm đá quý ngoại sắc ở trạng thái tinh khiết thường là không màu, chỉ khi lẫn các tạp chất khác chúng mới có các màu khác nhau.
Các nguyên tố tạp chất không phải là những nguyên tố cấu trúc chính của khoáng vật đá quý, bản thân chúng không được ghi trong công thức hóa học của khoáng vật, hàm lượng của chúng thường không cao (từ 0,00n-n%). Chúng thường thay thế những vị trí nhất định của các nguyên tố cấu trúc.
Đây là nhóm đá quý chiếm tỷ lệ cao nhất và các nguyên tố tạp chất là nguyên nhân chủ yếu tạo màu cho đá quý. Ví dụ, khi crôm lẫn trong thành phần corindon sẽ tạo ra ruby màu đỏ, trong thành phần beryl sẽ tạo ra emerald màu lục, trong thành phần chrysoberyl tạo ra alexandrite đổi màu,… Hoặc cũng là corindon nhưng lẫn Fe2+ và Ti4+ sẽ có màu lam (sapphire), beryl lẫn Fe2+ và Fe3+ thì có màu xanh lơ. Kim cương lẫn nitơ cho ra mầu vàng.
Quá trình tạo màu của các nguyên tố gây màu trong đá quý tự sắc và ngoại sắc được giải thích bằng các lý thuyết trường tinh thể và lý thuyết quỹ đạo phân tử.
Lý thuyết trường tinh thể: Ví dụ điển hình của quá trình tạo màu theo lý thuyết này là trường hợp crom (Cr) tạo màu đỏ của ruby. Bình thường, khi chưa có ánh sáng chiếu vào, crom ở trạng thái không bị kích thích (mức cơ sở), điện tử ở vành ngoài cùng có mức năng lượng thấp. Khi ánh sáng chiếu vào, crom sẽ nhận được một năng lượng kích thích, điện tử vành ngoài cùng sẽ nhảy lên mức năng lượng cao hơn. Vì ánh sáng có dạng xung ngắt quãng nên khi hết năng lượng của một xung, điện tử ở mức năng lượng cao sẽ nhảy xuống các mức năng lượng thấp hơn, kèm theo đó nó sẽ phát ra năng lượng thứ cấp dưới dạng ánh sáng màu đỏ.
Đặc điểm cấu trúc bên trong
Màu giả sắc: Có một số loại đá quý khi có cấu trúc tinh thể hoàn chỉnh thì không màu, nhưng khi có các sai lệch khác nhau trong cấu trúc thì có thể có màu và một số hiệu ứng quang học đặc biệt.
Tâm màu: Màu của một vài loại đá quý có thể tạo ra hoặc bị biến đổi do các sai lệch trong cấu trúc tinh thể của chúng. Nguyên nhân của các sai lệch này thường là do hiện tượng phóng xạ tự nhiên hoặc nhân tạo.
Ví dụ về các loại đá quý có màu do tâm màu gây ra là zircon (do chứa các nguyên tố phóng xạ là U và Th), màu kim cương (do quá trình phóng xạ tự nhiên) hoặc màu saphir vàng (do chiếu xạ nhân tạo). Ngoài ra, thạch anh và fluorit cũng có thể có màu do tâm màu. Màu do tâm màu tạo ra có thể kém ổn định theo thời gian hoặc dưới tác dụng của nhiệt độ.
Các đặc điểm cấu trúc khác
Một số đặc điểm cấu trúc trong khoáng vật đá quý có thể gây ra các hiệu ứng quang học (sắc màu) khác nhau, như:
Cấu trúc phân lớp (của các quả cầu SiO2), gây nên hiệu ứng biến màu (do nhiễu xạ và giao thoa) trong opal.
Cấu trúc phân phiến (do phá hủy dung dịch cứng), tạo ra các hiệu ứng labrador và adularescence.
Các khe nứt nhỏ song song, có thể gây ra hiệu ứng ngũ sắc (trong thạch anh) hoặc mắt mèo (chrysoberyl, thạch anh)
Các bao thể, có thể gây ra hiệu ứng sao, mắt mèo, ánh lụa và aventurine.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét