Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Kinh nghiệm phân biệt đá thật với đá giả

Một viên đá tự nhiên nếu không phải đá trang sức thì gần như chắc chắn sẽ có vết như rạn, nứt, vân, tạp chất trong lòng đá, có thể quan sát được bằng mắt thường. Ngoại trừ thạch anh trắng, thạch anh khói, obsidian là những loại đá sạch trơn và có giá thành rất rẻ, còn lại các loại đá khác đều có thể nhận biết bằng cách này. Những chiếc vòng tay hay linh vật phong thủy mà trong vắt không một chút gợn, màu sắc rực rỡ xanh đỏ tím vàng thì nhìn chung đều là hàng dởm. Bằng cách này bạn đã loại đi được kha khá những thứ đá vớ vẩn rẻ tiền.



Nhưng giờ đây bằng công nghệ, các loại đá giả cũng được cấy vân, tạp chất gần giống đá thật. Lúc này bạn sẽ cần những cách phân biệt kỹ hơn.

Trước kia có thể đốt thử đá, nếu nóng chảy, có mùi khét, ra vụn than là đá dởm. Nhưng giờ nhựa có thể chịu nhiệt tới vài trăm độ, đốt bằng bật lửa không ăn thua. Cách này đôi khi cũng có hiệu quả với nhựa dởm, nhưng không nên áp dụng. Bởi đá tự nhiên trong lòng chứa lẫn nhiều tạp chất các loại đá khác, dưới nhiệt độ cao mỗi loại đá giãn nở khác nhau, có thể gây nứt đá. Không khéo chưa test được thật hay giả đã hỏng luôn viên đá xịn.

Có người ấy hóa chất như nước đổ acquy nhỏ lên đá xem có sủi bọt không là biết đá thật. Hầu hết các đá bán quý, đá quý đều có độ bền hóa học rất cao, không phản ứng với hóa chất. Ngược lại, một số đá mỹ nghệ tự nhiên có công thức hóa học là muối lại phản ứng rất mạnh, nhỏ hóa chất như axit, bazơ lên sẽ làm đá bị sùi và hỏng hết bề mặt. Bởi vậy cách thử này phải hiểu rõ thành phần hóa học của đá.

Giữa đá thật và bột đá ép keo (1 kiểu đá giả rất phổ biến trên thị trường đá phong thủy). 2 loại này khác hẳn nhau về phương pháp chế tác. Đá thật người thợ phải dùng mũi tạc để chạm khắc trên bề mặt đá, bởi vậy đường nét sẽ không thể hoàn hảo, mà có chỗ không đều, không sắc sảo, và không bao giờ có 2 bức giống nhau. Ngược lại, với bột đá thì người ta lấy đá phế phẩm nghiền nát, trộn với keo, màu nhuộm và ép lại bằng khuôn. Thành phẩm sẽ có chất rất mịn màng, bóng mướt, nhiều màu sắc, đường nét cực kỳ sắc sảo chính xác, và cả ngàn bức đều giống nhau y hệt.

Bổ sung thêm cho các bạn một cách nữa để phân biệt, đó là thử độ cứng. Hầu hết các loại đá dởm trên thị trường đều có độ cứng bằng hoặc thấp hơn thủy tinh. Do vậy nếu bạn có một miếng thủy tinh sắc, hãy thử rạch lên bề mặt đá xem đá có bị xước hay không. Nếu có thì hãy cảnh giác. Tuy nhiên cách này chỉ nên áp dụng cho những loại đá đeo trên người, không dùng cho các loại đá mềm làm đồ mỹ nghệ, bạn đừng rạch thử ngọc phỉ thúy hỏng rồi đền cả tỷ thì không ai chịu trách nhiệm nha.

Cách chính xác nhất để xác định đá thật giả, đó là đem kiểm định với những đá đắt tiền. Phiếu kiểm định của các trung tâm uy tín sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chủng loại đá, tự nhiên hay nhân tạo, có xử lý hay không, kích thước, khối lượng, hình dạng … Tuy nhiên vẫn có một số điểm cần lưu ý để tránh bị lừa.

Một vài loại đá giả thường thấy trên thị trường.

ĐÁ KIM SA
 “Đá kim sa” như trên ảnh là một loại vật liệu nhân tạo, được chế tạo bằng cách nung thủy tinh, oxit đồng với keo ở điều kiện thiếu oxy. Loại này thường dùng làm mặt tủ bếp, rất rẻ tiền và không có mấy giá trị về mặt phong thủy. Tuy nhiên nếu ai bị hấp dẫn bởi những món nhóng nhánh thì cũng có thể mua về đeo chơi cho vui tay.

THẠCH ANH ĐỎ
Thạch anh đỏ cực kỳ hiếm gặp trong tự nhiên. Và nếu có cũng là màu đỏ nâu, chứ không bao giờ có màu đỏ rực. Vậy mà vẫn có nhiều nơi dám mạnh mồm tuyên bố thứ thủy tinh trộn màu này là thạch anh đỏ xịn. Mình từng thấy một khách hàng của mình đặt loại cầu này ở chỗ trang trọng nhất trong phòng khách. Thấy tội quá mà chả biết có nên nói làm gia chủ rầu thêm không.

NGỌC LƯU LY
Không biết từ bao giờ, bột đá ép đã được “nâng tầm” thành ngọc, mà còn lấy cái tên sang chảnh là “Ngọc lưu ly”.  Sự thật thì loại này nhập về từ bên Tàu giá không quá vài chục ngàn, và tất nhiên là chẳng có mấy giá trị về mặt phong thủy. Nhận biết loại này khá dễ vì khối lượng riêng nhẹ hơn các loại đá thạch anh cùng kích thước. Vì được ép từ bột đá nên ánh sáng đi qua không truyền thẳng mà bị vỡ, tạo cảm giác bề mặt đá không được bằng phẳng.

THẠCH ANH VÀNG TRONG SUỐT
Sản phẩm làm mưa làm gió trên khắp các trang web mua chung một thời gian. Trong khi thực tế thạch anh vàng là loại gần như hiếm nhất trong nhóm thạch anh.  Nhưng với người bán, đem thứ vòng nhựa này để quảng bá thương hiệu, khác nào tự đào mồ chôn vùi doanh nghiệp mình.

CÂY TINH THỂ THẠCH ANH HỒNG
Trong điều kiện môi trường tự nhiên, thạch anh hồng không thể hình thành cấu trúc tinh thể, chứ đừng nói là … mọc nguyên một cây tua tủa. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, phòng thí nghiệm đã làm thay vai trò của thiên nhiên, tạo ra cây tinh thể rất đẹp. Loại này có thể phục vụ nghiên cứu hoặc sưu tầm, nhưng cần được nói rõ là đá nhân tạo, chứ không phải đá tự nhiên.

DẠ MINH CHÂU
Được quảng cáo là loại ngọc cực kỳ quý hiếm, có khả năng tự phát sáng trong đêm, không có khả năng mua được trên thị trường. Mấy món ngọc dạ minh châu trên thị trường đều là đá thường được tẩm chất lân tinh để phát sáng. Theo thời gian khi chất lân tinh bay đi dần thì đá cũng không còn phát sáng được nữa. Nguy hiểm hơn, có loại còn được cấy đồng vị phóng xạ để tạo ánh sáng khi chất phóng xạ phân rã. Không những chẳng quý báu gì, mà thậm chí cất loại này trong nhà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Đá Mã não da rắn
Một loại đá mã não chẳng có điểm chung gì với các loại đá mã não thường gặp, mang vẻ đẹp thẩm mỹ nhân tạo. Loại này tinh mắt để ý sẽ nhận ra là nhựa được nhuộm màu. Những đường vân loằng ngoằng như da rắn trên mặt đá thực chất lại là các khe nứt tạo ra bởi nhiệt độ cao, sau đó bơm thuốc nhuộm vào. Ưu điểm nhìn thấy rõ của vòng tay đá loại này loại này là hình thức đẹp, giá rẻ.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét