Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Đá sapphire - viên đá của tình yêu và sự chung thủy

Sapphire theo tiếng Hy lạp, saphiarus có nghĩa là màu xanh lam.

Tuy nhiên đá Sapphire không chỉ có mầu xanh lam mà đá có rất nhiều mầu sắc đa dạng. Đá Sapphire có chung công thức hóa học Al2O3 giống như đá Ruby. Đá Sapphire bao gồm tất cả các mầu từ nhóm Corundum Al2O3 ngoại trừ mầu đỏ với tên gọi là đá Ruby.

Sapphire và Ruby có độ cứng là 9, chỉ kém so với độ cứng 10 của kim cương. Đá Sapphire có vẻ đẹp tinh tế, sang trọng, toả sáng lấp lánh. Khi viên đá Sapphire đạt độ trong suốt và sạch hoàn hảo sẽ được xếp vào hàng đá quý cao cấp gần như kim cương.


Màu sắc của đá Sapphire

Màu sắc đá sapphire còn phụ thuộc vào hàm lượng sắt và crôm bên trong đá. Đá Sapphire có đa dạng về màu sắc, chẳng hạn như: màu vàng, hồng, da cam, xanh hero, xanh thiên thanh, xanh cổ vịt, xanh dầu gió, xanh chuối, đen, trắng.



Pink Saphire


Đá Sapphire loại đẹp nhất và giá trị nhất là màu xanh dương đậm ( mầu xanh hero - lam ngọc ). Lam ngọc càng trong trẻo và có độ phản chiếu ánh sáng của các giác mài càng cao thì viên đá đó càng đắt tiền. Nhất là khi trọng lượng của viên đá càng nhiều carats thì càng đắt.


Đá Sapphire sao

Sapphire sao là loại sapphire mà khi được chiếu sáng sẽ hiện ra hình ảnh ngôi sao sáu cánh. Sapphire sao khá là hiếm trên thế giới và giá trị của chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khối lượng, màu sắc, hình dáng và độ lấp lánh của ngôi sao ẩn chứa trong đó.

Lam ngọc với hiệu ứng ngôi sao 6 cánh
Saphire sao đen đặc biệt hiệu ứng ngôi sao 12 cánh

Các tính chất của đá Sapphire

Sapphire đổi màu là loại có thể thay đổi được màu sắc khi được ánh sáng chiếu vào. Thông thường dưới ánh sáng tự nhiên thì những viên đá này mang màu xanh da trời, nhưng dưới ánh đèn huỳnh quang thì chúng chuyển sang tông màu tím. Thậm chí có cả loại  Sapphire mang sắc hồng đặc trưng nhưng khi chiếu dưới ánh đèn chúng lại biến thành xanh. Người ta tìm thấy Sapphire đổi màu nhiều nhất là ở Tanzania, châu Phi.

Sapphire Padparadsha là loại đá mang màu sắc được pha giữa hai gam hồng và da cam. Loại đá này rất là hiếm và chúng cũng được đánh giá cao. Đa phần Sapphire Padparadsha được tìm thấy ở Sri Lanka, một phần thì ở châu Phi và Việt Nam.

Sapphire hai màu: Chúng rất quý giá với số lượng ít. Màu sắc thường hay gặp nhất chính là Sapphire màu vàng chuyển sang xanh lá hoặc là chuyển sang xanh chuối hoặc tím. Nếu sự khác biệt màu càng lớn thì mức giá của chúng càng cao.

Sapphire mắt mèo: là loại Sapphire có thể tạo ra hiệu ứng giống như là đồng tử của loài mèo khi ở dưới ánh sáng.

Yellow Saphire

Công dụng của đá Sapphire 

Đá Sapphire được sử dụng để làm trang sức giá trị cao để tôn lên vẻ đẹp sang trọng quý phái. Đây là viên đá của hòa bình và sự may mắn.

Đá sapphire là biểu tượng của tình yêu, sự chung thủy, hôn nhân bền vững và sự giầu có. Sapphire đặc biệt quan trọng được kỷ niệm cho 45 năm ngày cưới.

Bên cạnh đó, Sapphire được cho là biểu tượng của sự thông thái, quyền lực và sự công bằng. Đá sapphire làm con người bình tĩnh và sáng suốt hơn.

Sapphire được coi là viên đá của nữ tu. Với hàm ý sự trinh tiết và thanh khiết.
Orange Saphire

Các các xử lý đá Sapphire

Hiện nay trên thị trường thì hơn 95% ruby và saphia đều đã qua xử lý nhiệt phân hủy các bao thể chứa titan tạo độ sạch trong. Sapphire được làm nóng ở nhiệt độ rất cao; thường giữa 1650 và 1850 độ C. Nhiệt độ cao làm cho các sợi rutil trong sapphire hòa tan, làm tăng sự trong suốt của viên đá và độ bão hòa màu (thông qua việc khuếch tán titan vào lưới mạng tinh thể của sapphire).

Đá Sapphire tối màu cũng được làm sáng màu nhờ nung nhiệt. Phương pháp này được thị trường chấp nhận coi như là ruby, saphia tự nhiên. Khi xử lý nhiệt, đá sẽ loại bỏ được những tạp chất, thuần khiết mầu và đẹp hơn. Các chuyên gia ngọc học có kinh nghiệm có thể xác định rằng một viên sapphire đã được xử lý nhiệt bằng cách quan sát cấu trúc dưới kính hiển vi.


Phương pháp xử lý mới phát triển hiện nay là xử lý khuếch tán beryl, trong đó các đá sapphire không màu, hồng nhạt hay màu vàng được nung nhiệt chung với khoáng beryl hay chrysoberyl, nguyên tố berylium từ các khoáng ấy sẽ thẩm thấu vào bề mặt đá Sapphire. Điều này giúp làm tăng màu vàng cho đá: Sapphire màu hồng sẽ thành cam, vàng nhạt thành vàng đậm. Nguyên tố thêm vào và màu do nó tạo ra chỉ ở một lớp mỏng trên bề mặt đá, tuy nhiên trong một số trường hợp, nó giúp tạo nên màu đậm hơn trên toàn bộ viên đá. Xử lý khuếch tán phải được công bố trên hóa đơn. Để xác định được xử lý này cần phải có các phòng xét nghiệm ngọc học hiện đại như GIA.

Tốt nhất để chắc chắn là đá Sapphire thiên nhiên, thì khi mua nên yêu cầu bên bán phải có chứng nhận kiểm định đá quý của của các đơn vị uy tín như PNJ, SJC, DOJI,... Với mỗi viên đá khi kiểm định sẽ có một mã số duy nhất có thể tra cứu online trên website của đơn vị kiểm định.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét