Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Chợ đá cổ Sài Gòn - Vang bóng một thời

Chợ đá cảnh bên bờ kênh Tàu Hũ (quận 5) đã từ lâu trở thành điểm đến mua sắm quen thuộc của nhiều người.

Nếu ai có dịp đi ngang Đại lộ Võ Văn Kiệt (tại giao lộ đường An Bình, quận 5) sẽ bắt gặp chục điểm kinh doanh bán đá cảnh, đá trang trí đầy đủ màu sắc, kích cỡ.

Người Hoa sinh sống tại Sài Gòn đa phần đều hoạt động kinh doanh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Với sự thành kính, tín ngưỡng, trong mỗi căn nhà bao giờ cũng có những viên đá cảnh nhằm trấn yểm phong thủy. Đặc biệt, những người gốc Quảng Đông, Triều Châu khi đã lớn tuổi thường mang trên người trang sức bằng đá để phòng trừ tai nạn, bệnh tật. Người giàu có thường mua 3 quả cầu thạch anh để cầm trên tay đi chúc Tết, thể hiện sự tài vượng, phú quý, giàu sang.

Không ai nhớ chính xác khu chợ này được thành lập từ khi nào. Những vị cao niên cũng chỉ ước chừng vào đầu thế kỷ 18, khi người Hoa gốc Minh Hương đã có ghe xuồng tấp vào bờ kênh để buôn bán đá cảnh. Cho đến những năm sau 1776, nhóm người Hoa ở Cù Lao Phố kéo đến xây chòi, dựng sạp để bán đá cảnh.

Thời hưng thịnh nhất vào những năm cuối thế kỷ 19, chợ đá phát triển khá rầm rộ. Ông Phối Ngọc Tuấn, dù đã hơn 91 tuổi, vẫn nhớ như in cái sự xô bồ của chợ đá thuở nào. Ông Tuấn thuật lại: “Thời đó dọc từ bệnh viên An Bình (quận 5) đến tận bờ kênh Tàu Hũ, đâu đâu cũng có người bán đã cảnh, đá mỹ thuật. Xe kéo, xích lô xếp hàng dài để chờ khách yêu cầu gọi chở hàng về nhà. Người bán thì luôn tay, kêu gọi khách vào mua”.

Ông Tuấn chỉ tay về hướng đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), nơi đang bày bán thuốc Bắc, đồ trang trí vật dụng, so sánh: “Hồi đó, chợ đá đông vui gấp đôi cái tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay. Chợ đá như một cái chợ xổm, người bỏ trên rổ, người chất trên xe ba gác. Nay chỉ còn dưới 30 điểm sống đúng nghĩa với nghề”.

Ông lý giải về sự lụi tàn của chợ là do những người buôn bán bất chính không biết từ nơi nào, kéo đến giành nhau để bán. Họ dùng màu nhuộm trên đá, để lừa gạt người mua. Rồi từ đó chợ đá dần dần mất uy tín. Những người khá giả thì di chuyển sang gần chợ Bình Tây hoặc khu Thuận Kiều (quận 5) mở cửa hàng riêng kinh doanh. Cho đến nay, chợ đá có có phần lụi tàn đi rất nhiều, không còn tấp nập như xưa.



Quan sát các cửa hàng ở khu vực này không có bảng hiệu to lớn, mẫu vật chỉ để trong một tủ kính. Mỗi cửa hàng chỉ có diện tích không quá 4m2. Người bán, nói giọng lơ lớ nửa Việt, nửa Hoa. Tuy nhiên cũng không ít người từ nơi khác đứng bán.

Tại khu chợ đá này, người ta có thể chọn mua bất kỳ loại sản phẩm nào, từ cao cấp đến bình dân. Có những vật phẩm chưa đến 20.000 đồng nhưng cũng có vật phẩm lên đến 200 triệu đồng.

Nguồn hàng ở đây được lấy về khắp nơi. Theo người bán, trước kia đa phần lấy trực tiếp từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng thời gian gần đây nhiều cơ sở chế tác ở Đồng Nai, Củ Chi (TP HCM) đã có thể làm ra với mẫu mã, chất lượng không thua kém nên họ chuyển mua hàng nội địa, nhằm giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, những loại đá phong thủy lại có giá hơi “chát” vì tốn rất nhiều công săn ở những nơi biến đổi địa chất. Viên rẻ nhất cũng đã có giá 7 triệu đồng.

Bà Trần Thi Hoa, một người bán chợ đá hơn 40 năm, cho biết: “Nghề buôn chợ đá ăn nên làm ra vào những ngày cuối năm, chứ ngày thường tôi chỉ ngồi “phủi bụi” hiếm lắm vài người đến hỏi thăm rồi đi”.

Nói về công việc làm ăn năm nay, bà Hoa cho biết đợt vừa rồi có người có người mang cả xấp tiền gần 90 triệu đồng, chỉ để mua những phiến đá lót cửa nhà, tượng hình dê để làm quà tặng dịp Tết.

Tại đây không còn cảnh xô bồ, ồn ào như những chợ khác. Người đến mua thoải mái tham quan, không ưng có thể bỏ đi. Thậm chí những ai muốn săn hàng độc, lạ cũng có thể nhờ người bán săn lùng giúp.

Đã không ít người tính chuyện dời sang địa điểm mặt bằng khác mong bán đắt khách hơn. Nhưng rồi họ lại bỏ ý định đó vì muốn giữ lại cái khu chợ, nơi một thời nuôi sống họ. Ông A Thủy phân trần: “Trước lúc ba tôi truyền nghề cho tôi, ông hay căn dặn phải làm sao giữ được nghề này tại mảnh đất này. Dẫu sao nó cũng nuôi cả gia đình hơn 2 đời rồi nên tôi cũng không bỏ đi, dẫu sao bán ở đây không giàu, khách chỉ là người bình dân nhưng thu nhập cũng đủ sống qua ngày”.

ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét